Cũng như mọi thuyết âm mưu khác, việc mạng 5G gây ảnh hưởng tới sức khỏe là tin giả
Chúng ta đang tiến tới kỷ nguyên của kết nối 5G, các công ty đã bắt đầu mở dịch vụ tận dụng tốc độ đột phá của nó. Với nhiều người, những lời hứa về mạng 5G có vẻ quá tuyệt vời để trở thành sự thực, họ đang luận ra đủ thứ thuyết âm mưu: họ sợ rằng công nghệ mới sẽ đem theo một thế lực hắc ám gì đó ảnh hưởng tới sự sống Trái Đất.
Dạo qua bất cứ nền tảng nào có người dùng, bạn sẽ thấy ngay sự hiện diện của những thành phần bài 5G, lan truyền những thông tin kiểu 5G gây ung thư, vô sinh, tự kỷ hay bệnh mất trí nhớ Alzheimer. Tháng Mười một năm 2018, một bài đăng trên Facebook khẳng định 5G là nguyên nhân gây ra cái chết của 300 con chim tại Hà Lan. Xin phép đính chính, việc thử nghiệm 5G đã diễn ra cách khu vực chim chết tới vài tháng, chắc họ tưởng sức hủy diệt của 5G cũng tương tự bức xạ hạt nhân.
Tồi tệ hơn, người ta truyền đi bài đăng dạy cách đập phá các cột mạng 5G đang được thử nghiệm. Đến nước này, ta sẽ phải đi tìm câu trả lời cho việc: Tại sao bước tiến tiếp theo của kết nối mạng lại hấp dẫn các chuyên gia thuyết âm mưu đến thế?
Cách manh mối đều chỉ tới John Kuhles, một “nhà nghiên cứu UFO” tại Hà Lan, người đã lập nhóm kín “Stop5G” trên Facebook hồi năm 2018. Thời điểm này, nhóm đã có hơn 20.000 thành viên, chính là nơi phát tán ra tin đồn thất thiệt về 300 con chim chết cũng như nhiều thuyết âm mưu khác. Có những việc thậm vô lý như cháy rừng ở California hồi tháng Mười một năm ngoái là do “người cầm quyền bí ẩn trừng phạt dân chúng”, vì bang California không lắp đặt 5G kịp tiến độ.
Nhóm mẹ của John Kuhles đã “hạ sinh” thêm hàng loạt nhóm phụ khác, bao gồm “Stop 5G UK” hoạt động riêng biệt tại Vương quốc Anh, hiện đã có hơn 13.000 thành viên, cùng với hàng loạt nhóm nhỏ tại bất cứ khu vực nào chuẩn bị được phủ sóng 5G.
Môi trường Twitter cũng độc hại không kém Facebook: người ta truyền nhau hashtag #stop5G khắp nơi. Nền tảng Instagram không kém cạnh: người ta đua nhau chia sẻ tấm ảnh nhân viên mặc đủ bộ đồ chống phóng xạ hazmat, đang làm việc tại nơi được cho là cột sóng 5G. Không ai buồn kiểm chứng độ chân thực của tấm ảnh vô lý.
Không ai có bằng chứng sắt đá cho thấy ảnh hưởng lên sức khỏe của 5G nói riêng, hay bất cứ kết nối mạng nào nói chung. Nền móng xây dựng lên 5G không khác mấy người tiền nhiệm của nó, và chưa có nghiên cứu nào liên kết điện thoại/sóng điện thoại với ung thư, nhưng đúng là giới khoa học đang tìm hiểu những mối liên hệ có thể có.
Nhưng những sự thật sờ sờ không kìm hãm được làn sóng bài xích 5G lan ra như lũ quét, khởi đầu từ thời điểm 2018, khi một loạt nhà mạng thử nghiệm 5G. Những nguồn tin không gốc gác rõ ràng liên tục khiến cộng đồng lo lắng, đưa lên những cụm từ gây lo lắng như “Tận thế 5G” hay “một cuộc thử nghiệm lên nhân loại”, mạnh miệng tuyên bố 5G “sẽ giết chết bạn”.
Nhưng lộ trình tin giả lan truyền bằng lo sợ này không mới, chỉ là một khuôn mẫu lặp lại mỗi khi xuất hiện một thứ công nghệ mới.
“Thuyết âm mưu có từ hồi 4G, và từ tất cả những công nghệ đã đi trước nó”, David Grimes, nhà vật lý học, chuyên gia nghiên cứu ung thư và tác giả nhiều tuyến bài khoa học, cho hay. Theo lời ông, đường điện cao thế và sóng vô tuyến đã khiến người xưa lo ngại cho sức khỏe của họ. Những thứ sóng vô hình bị buộc tội gây ra ung thư, u não và nhiều thứ bệnh đáng sợ khác.
Tất cả những tuyên bố đó đều đã bị các nghiên cứu khoa học chuyên sâu xóa bỏ, bằng nỗ lực nghiên cứu dài vài thập kỷ gần đây.
Hãy lấy nước Anh làm ví dụ, số lượng người sử dụng điện thoại tăng 500% tính từ thập niên 90 cho tới 2016, trong khi đó số lượng người mắc u não chỉ tăng 34% - mà tăng tỷ lệ người bệnh não chủ yếu là do công nghệ đã hiện đại hơn, phát hiện bệnh dễ dàng hơn.
“Những gì ta thấy trong thời nay cũng vẫn là thuyết âm mưu của nhiều năm về trước được tái dựng lại thôi, cũng chẳng ngạc nhiên lắm vì hiện trạng vaccine hiện nay cũng tương tự”, nhà nghiên cứu Grimes nói. Mỗi khi ngành y tế cho ra vaccine mới, những truyền thuyết cũ rích về vaccine lại có dịp hồi sinh.
Khuôn mẫu này cũng áp dụng được lên công nghệ mới: mạng 5G khiến người ta e dè, trong khi nền móng cho 5G vẫn là 4G, thứ mạng ta vẫn dùng bấy lâu nay.
Những tin đồn thất thiệt về 5G thường đi kèm với từ “radiation”, là “bức xạ, phóng xạ”, khiến người ta nghĩ ngay tới những thứ tia có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe như tia X hay tia cực tím, có khả năng bẻ gãy ADN và gây đột biến, ung thư. Nhưng không phải bức xạ nào cũng có hại, đơn cử như sóng vô tuyến trong công nghệ liên lạc, với tần số chỉ khoảng từ 300 MHz tới 300 GHz.
“Bức xạ vi sóng cũng là khái niệm gây ra nhiều hiểu nhầm. Bởi khi nghe tới cái tên, người ta sẽ nghĩ tới lò vi sóng”, ông Grimes nói. Chúng ta sử dụng công nghệ này hàng ngày nhưng không hiểu rõ cách thức hoạt động của nó. Khoảng trống hiểu biết bị lấp đầy bởi thuyết âm mưu, hiểu nhầm và tin giả.
Joseph Uscinski, giáo sư công tác tại Đại học Miami và người biên tập cuốn sách Thuyết âm mưu và Những người tin vào nó, nói rằng thuyết âm mưu rất lôi cuốn những người … vốn thích thuyết âm mưu. Nếu bạn chưa từng đọc thuyết âm mưu thì câu này nghe có vẻ khó hiểu, nhưng nếu bạn thân quen với việc ngồi hàng giờ đọc và xem video trên Internet, bạn sẽ thấy thân thuộc ngay lập tức với cái vòng xoáy vô tận của giả và thật, đọc vừa hợp lý lại vừa không, cực kỳ lôi cuốn nên dễ khiến người nghe tin hoàn toàn vào THUYẾT âm mưu, nghĩ đó là SỰ THẬT.
“Với những người đã tin vào thuyết âm mưu, thì mọi thuyết mới sẽ đều ăn khớp với những gì họ đã nghe và đọc”, Joseph Uscinski nói. “Những người tin vào thuyết 5G đều đã bị thuyết âm mưu nói chung cuốn hút tới mức độ cao. Khi họ tìm kiếm thông tin, họ sẽ thường hướng về nguồn phù hợp với đức tin vốn đã sai lệch của mình”.
Thông thường, thuyết âm mưu phát tán chậm hơn tin khoa học nhiều, nhưng trong thế giới hiện đại với kết nối Internet, chúng lan như cháy rừng. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Science chỉ ra: tin giả có tỷ lệ được share cao hơn 70 lần tin thật.
“Người ta rất dễ thấy những mẩu tin giả đó, và rồi cảm thấy chúng rất hấp dẫn; quan trọng hơn cả là người ta thấy sẵn một cộng đồng xoay quanh nó, khiến người ta cảm thấy mình đã thuộc về một nhóm người tìm ra được sự thật bị ẩn giấu”, John Kelly, CEO của Graphika cho hay.
Graphika, công ty phân tích xu hướng mạng xã hội có cơ sở tại New York để mắt tới những câu chuyện xoay quanh mạng 5G, phát hiện ra điểm chung của chúng: tất cả các mẩu tin giả đều tập trung vào ảnh hưởng sức khỏe. Những tài khoản kêu gọi tẩy chay 5G cũng thường là những người bài vaccine, những người tin Trái Đất là phẳng và những thứ nhảm nhí tương tự khác.
Trên mạng, thế giới tin giả đa dạng vô cùng: chỉ cần tìm thông tin về việc vi sóng gây ung thư, một loạt trang web (trông không đáng tin chút nào) sẽ khẳng định những gì bạn lo ngại là đúng. Với bản tính lười biếng vốn bị chôn sâu vào tiềm thức nhân loại, đa số người sẽ không đi tìm nguồn tin chính đáng khi đã có sẵn mẩu thông tin tiện lợi ngay trước mắt.
Theo ông Grimes, đây mới là vấn đề chính: “Cách sửa chữa tốt nhất là họ có thể làm là phân biệt rõ đâu là nguồn đáng tin cậy”.
“Chúng ta đều có thể học hỏi từ khoa học. Trạng thái nhận thức của ta phải luôn đặt ở chế độ hoài nghi”, ông Grimes kết luận. Bỗng thấy tính cách đa nghi của Tào Tháo hiện về, cấp thiết hơn bao giờ hết trong tình cảnh “cứ một mét vuông Internet lại có vài mẩu tin giả”.
Mặt khác, Uscinski cảnh báo đừng nên đổ hết tội lỗi lan truyền tin giả cho Internet, đây sẽ là hành động đơn giản hóa một vấn đề vốn phức tạp. “Nhân loại đã nghe về thuyết âm mưu, những tư tưởng cực đoan và bạo lực xuất phát từ thuyết âm mưu trước cả khi Internet tồn tại. Internet có thể cho phép tin giả lan nhanh hơn, nhưng những người sẵn sàng tin nó vẫn luôn tồn tại khắp nơi”.
Uscinski lấy ngay ví dụ thực tế: khi tổng thống John F. Kennedy bị ám sát năm 1963, phải hơn một nửa người dân Mỹ tin vào những giả thuyết mờ ám đằng sau cái chết của vị tổng thống được lòng người. Để tránh thuyết âm mưu vượt quá tầm kiểm soát, Uscinski nhấn mạnh vai trò của các chuyên viên chính phủ, các ngành công nghiệp liên quan và giới truyền thông phải sẵn sàng hành động, ngay lập tức cho dư luận biết đâu là tin thật, đâu là tin giả.
Đã có những bước đầu tiên chứa đầy hy vọng. Để tránh cảnh người dân lo lắng, công ty EE - nơi cho thử nghiệm 5G đầu tiên tại Anh, đã liên hệ với hội đồng nhân dân địa phương, xin tham gia vào các buổi gặp mặt cộng đồng để nâng cao nhận thức mọi người.
Bên cạnh đó, công ty còn sử dụng những bài đăng trên mạng xã hội, gửi đi những thông tin chính thống cho báo đài cả nước, tự đăng tải những nội dung giải thích, nhằm trấn an dư luận vốn đang e ngại mạng 5G.
Howard Jones, một nhân viên cấp cao tại EE cho hay: “Việc chúng tôi tự đứng ra trấn an dư luận là vô cùng cần thiết, bởi nếu những lời lẽ đó không tới từ chính chúng tôi và từ ngành, giải thích cặn kẽ công nghệ mới là gì, thì tin giả sẽ thỏa sức lộng hành”.
Tham khảo Wired UK